Posted by : Mr7 Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Hầu như tất cả những người trồng hồ thủy sinh đều vấp phải vấn đề đâu đầu là rêu hại. Tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục là điều mong mỏi rất lớn của nhiều người chơi. Chúng tôi xin đúc rút rất nhiều kinh nghiệm xương máu để chia sẻ cùng cả nhà. Chỉ một vài nguyên nhân hết sức vớ vẩn, kết cục buồn cho hồ là bị rêu hại tấn công một cách dã man và không thương tiếc. Đây là những kinh nghiệm tham khảo từ các pro trong nghề, các bạn bè bên nước ngoài và dựa trên kinh nghiệm trồng hồ trong thời gian qua, chắc chắn sẽ không thể tránh được thiếu sót. Rất mong cả nhà đóng góp ý kiến và chỉnh sửa để hoàn thiện tài liệu này.
reu chum den


Một số loại rêu hại điển hình trong hồ thủy sinh:
  • Black Brush/Beard (Rhodophyta) – Rêu chùm đen
  • Brown Algae (Diatoms) – Tảo nâu
  • Blue Green (Cyanobacteria) – Rêu xanh
  • Cladophora
  • Fuzz Algae
  • Green Dust Algae (GDA) – Rêu bụi xanh
  • Green Spot (Choleochaete orbicularis) – Rêu đốm xanh
  • Green Water (Euglaena) – Nước xanh
  • Hair/Thread Algae – Rêu tóc, rêu chỉ
  • Staghorn (Compsopogon sp.)
Black Brush/Beard (Rhodophyta) – Rêu chùm đen

Rêu chùm đen (Black brush hoặc hay được gọi là BBA) là một số loại rêu đỏ trong họ Rhodophyta. Hầu hết các loại rêu trong họ này là rêu nước mặn, nhưng một số loại tồn tại được trong nước ngọt lại rất thích tấn công hồ của chúng ta. Loại rêu này có thể nâu, đen, đỏ hoặc xanh sẫm, rất nhanh chóng bao phủ các viền cây và lan xuống nền nếu không được kiểm soát.

Nguyên nhân:

Mất cân bằng chất dinh dưỡng, có khả căng bị dư thừa N, P, Fe. Nên để nồng độ nước ổn định ở mức: N(10-20ppm) P(0.5-2ppm), K(10-20ppm), Ca(10-30ppm), Mg(2-5ppm) Fe(.1ppm),
Độ pH quá thấp – Quan sát thấy các hồ nuôi cá Ali thường không bao giờ có BBA.  Theo nhiều nghiên cứu thì BBA thường sống ở môi trường có tính a xít cao, và rất đen đủi là đa số cây thủy sinh lại rất ưa môi trường PH thấp này.

Cách xử lý:
  • Tăng CO2 – việc này sẽ kích thích việc phát triển của các cây thủy sinh và sẽ hấp thụ hết chất dinh dưỡng thừa trong hồ, nguồn sống của loại rêu chùm đen này.
  • Sử dụng một số loại hóa chất để xử lý như Oxy già (H2O2), diệt rêu của Excel, Dalch, sử dụng xi lanh để nhỏ vào các khu vực nhiễm bệnh. Các loại hóa chất này sẽ khiến cho rêu chùm đen bị chuyển thành ghi rồi trắng và chết.
  • Diệt bằng tay – Sử dụng bàn chải đánh răng và tay để gỡ càng nhiều càng tốt
  • Sử dụng chất tẩy trắng – Nếu các loại cây có lá cứng bị dính rêu chùm đen, thuốc tẩy trắng sử dụng sẽ rất hiệu quả, sử dụng công thức 1:20 thuốc tẩy/nước, nhúng cây vào, rửa sạch và cho lại vào hồ (chú ý rửa sạch kẻo chết tép và động vật)
  • Sử dụng phương pháp OxiClean – Chỉ sử dụng oxiclean và không dùng thêm cách nào khác.
  • Duy trì lịch vệ sinh và thay nước đều đặn theo ngày – 30% mỗi ngày, kết hợp các phương thức khác để tăng hiệu quả.
  • Sử dụng các loại động vật ăn rêu: Tép cảnh (Red cherry, tép Amano), cá bút chì, ottos.
  • Sử dụng đồng (không khuyến cáo) – Có rất nhiều chế phẩm diệt rêu sử dụng đồng để giết rêu chùm đen, nhưng rất tiếc là chúng sẽ giết luôn cây thủy sinh của bạn.

Brown Algae (Diatoms) – Tảo nâu


Dấu hiệu
Tảo nâu, hoặc gọi là diatoms, có màu nâu, rậm, nhớt và phủ lên lá cây hoặc đá, các vật cứng. Loại này hiếm khi xuất hiện ở các hồ được đầu tư đủ đồ và được chăm sóc kỹ.

Nguyên nhân:
  • Bể mới setup – Các hồ mới làm nhiều chất dinh dưỡng thừa thường sinh ra loại tảo này.
  • Quá nhiều chất dinh dưỡng – Chất silic chính là nguyên nhân. Liên hệ với công ty cung cấp nước để mô tả chính xác về hàm lượng si líc trong nước để có hướng khắc phục.
  • Ống bẩn – đôi khi các ống của lọc ngoài bẩn có thể sẽ góp phần vào việc phát triển của tảo nâu.

Cách xử lý:
  • Thời gian – Chỉ cần chờ tảo nâu hấp thụ hết si líc trong hồ và chúng sẽ tự nhiên biến mất
  • Xử lý bằng tay – Sử dụng vợt và ống nước để hút các loại tảo nâu.
  • Động vật ăn rêu: Nên dùng ốc táo đỏ, tép cảnh (tép tiger và tép đỏ), ốc Nerita để xử lý loại tảo nâu này. Chúng cũng ăn luôn một số loại rêu hại khác.

Blue Green (Cyanobacteria) – Tảo lam, vi khuẩn lam
Blue Green Algae (BGA)
Mặc dùng được gọi là một loại rêu, rêu xanh lam thực tế là một loại chất nhớt đầy vi khuẩn và dễ dàng phủ kín mọi thứ trong hồ cá. Vi khuẩn lam (Cyanobacteria, đã từng bị gọi sai là tảo lam) là một ngành vi khuẩn có khả năng quang hợp. Một số loại vi khuẩn lam có cấu tạo đơn bào, trong khi một số loài khác tạo thành các chuỗi tế bào, thỉnh thoảng có một số tế bào dị hình. Những loài vi khuẩn này đã có mặt trên Trái đất cách đây khoảng 3,8 tỉ năm và đóng vai trò quan trọng trong các chu trình sinh địa hoá tự nhiên. Ở các tế bào dị hình, có thành dày, oxi không xâm nhập, có khả năng cố định Nito tự do: enzim notrogenaza, ATP, kị khí .. Loại tảo lam có màu xanh, đen hoặc tím, nhưng đặc biệt nhất là chúng có mùi như đất khi bị gỡ ra khỏi hồ, chúng sẽ hấp thụ toàn bộ khí Ni tơ trong nước của bạn.

Nguyên nhân:
  • Hàm lượng Nitrates thấp – theo nhiều thí nghiệm với các hồ ngoài trời, tảo lam thường xuyên xuất hiện khi nitrogen và nitrate bị hấp thu hết trong nước.
  • Giàu chất hữu cơ: Cho ăn quá nhiều, không có lọc tốt, cá chết cây thối sẽ tăng hàm lượng chất hữu cơ trong hồ và sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho tảo lam phát triển.
  • Bóng đèn yếu – Ánh sáng yếu hoặc bóng đèn bị cũ sẽ dễ dàng gây ra loại tảo này. Cây thủy sinh giảm sức hấp thụ sẽ dẫn đến việc tảo lam xuất hiện để làm nốt nhiệm vụ hấp thụ dinh dưỡng trong hồ trong môi trường ánh sáng thấp.
  • Hệ thống lọc nước kém – Hệ thống tuần hoàn lọc trong hồ là điều kiện sống còn, một hệ thống lọc tốt chứa hệ vi sinh ngon lành sẽ xử lý các chất hữu cơ thừa rất tốt.
Cách xử lý:
  • Tăng nitrates – Châm nitrates đến hàm lượng 5ppm.
  • Trồng nhiều cây phát triển nhanh  – việc này sẽ giúp hấp thụ nguồn sống của tảo lam.
  • Tắt đèn – tảo lam sẽ chết khi tắt đèn.
  • Sử dụng oxy già hoặc đồ của Excel, sử dụng xi lanh để bơm vào khu vực bị nhiễm tảo.
  • Sử dụng thuốc Erythromycin để diệt khuẩn và không ảnh hưởng đến cây thủy sinh.
Cladophora – Rêu chùm

Nguyên nhân
  • Lây ra từ quả cầu rêu (Marimo Balls hoặc Moss ball): Do có cùng họ với quả cầu rêu, đôi khi các quả cầu rêu không được xử lý cẩn thận sẽ mang theo mầm của loại rêu chùm này.
  • Điều kiện hồ khỏe mạnh – Rất không may, rêu chùm Cladophora lại ưa thích môi trường khỏe mạnh mà các cây thủy sinh đòi hỏi.
Cách chữa:
  • Xử lý bằng tay – Sử dụng bàn chảy đánh răng, panh để gỡ loại rêu này.
  • Sử dụng Oxy già H2O2 – dùng xi lanh để bơm vào chỗ nhiễm bẩn.
  • May mắn – Rất khó để xử lý 100% loại rêu này trừ khi bạn may mắn.
Fuzz Algae – Rêu xoăn

Thường mọc ở các rìa lá cây, có dạng chùm và xoăn, lông.

Nguyên nhân:
  • Mất cân bằng dinh dưỡng – Nên đẩm bảo hàm lượng chất dinh dưỡng như sau: N(10-20ppm), P (0.5-2ppm), Ca (10-30ppm), Mg (2-5ppm), Fe (.1ppm).
  • Ít Co2 – Nên đảm bảo hàm lượng 20 – 30ppm Co2, chú ý đừng nhiều quá để ảnh hưởng đến hệ động vật.

Cách chữa:
Duy trì hàm lượng Co2 và đảm bảo cân bằng chất dinh dưỡng
Sử dụng động vật ăn rêu: Tép RC, tép Amano, Ottos, cá mún và hắc molly, cá bút chì và một số loại cá plecos.

Green Dust Algae (GDA) – Rêu bụi xanh
Green Dust Algae (GDA) – Rêu bụi xanh giống như một màng xanh phim bẩn xuất hiện trên bề mặt kính.  Chúng có xu hướng bám vào bề mặt kính, các loại đá và lá cây.

Nguyên nhân:

Rất không may, chúng ta chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ra loại rêu hại này.

Cách chữa:
Mặc kệ – Rêu bụi xanh có một vòng đời riêng của chúng, nếu chúng ta cứ kệ cho chúng chạy đủ chu kỳ sống thì chúng sẽ cứng lại rồi rơi lả tả trong hồ sau 21 ngày. Sau thời gian này, cạo sạch những phần còn dính lại trên kính, vệ sinh và thay nước đều.

Sử dụng dao cạo rêu bằng lưỡi inox không gỉ để cạo sạch thành kính

Ốc táo đỏ và Nerita – Hai loại ốc này có thể giúp chúng ta giảm đáng kể loại rêu bám kính này, dĩ nhiên là không thể xử lý hoàn toàn 100%.

Green Spot (Choleochaete orbicularis) – Rêu chấm xanh
Rêu chấm xanh rất dễ sinh ra và bám trên thành kính của hồ nếu chúng ta không thay nước đều đặn hoặc mất cân bằng dinh dưỡng trong hồ. Rêu chấm xanh cũng có thể bám vào các loại cây lá cứng và sống lâu như Dương Xỉ, Ráy và Bolbitus.

Nguyên nhân:
Hàm lượng phostphate (PO4) thấp – gần như chính xác là do lượng PO4 trong nước thấp hoặc cạn kiệt.

Cách chữa:
  • Dùng dao cạo rêu – Sử dụng lưỡi dao cạo rêu bằng inox không gỉ để cạo sạch kính, đừng dùng bàn chải đánh răng vì sẽ khó lòng đánh hết được.
  • Châm thêm Phosphates đến hàm lượng 0.5 – 2.0 ppm.
  • Sử dụng ốc Nerita để xử lý một phần rêu.
Green Water (Euglaena) – Nước bị nhớt xanh

Nước xanh là hiện tượng các tế bào đơn dạng tảo trùng mắt trôi nổi trong mặt nước và kết vào nhau. Chúng bao gồm chlorophyll a và b, cộng cả carotenoids khiến chúng có màu xanh lục, nhưng chúng không phải thực vật. Với hơn 40 loại lớn Euglenoids và hơn 1000 loài, loại rêu này là một trong những loại rêu đa dạng nhất trên thế giới, chúng là phần rất quan trọng trong chu trình sản xuất thức ăn. Rất không may, không ai nuôi thủy sinh muốn sự xuất hiện của chúng.

Nguyên nhân:
  • Bể mới setup – Thường thì hồ mới set up khi mà chưa được lắp đủ đồ (đèn, lọc)
  • Mất cân bằng dinh dưỡng.
  • Bị ảnh hưởng bởi thuốc – một số loại hóa chất có thể gây ra hiện tượng này.
Cách xử lý:
  • Tắt đèn – tắt đèn liền 5 ngày, cây thủy sinh chỉ bị ảnh hưởng đôi chút trong khi loại tảo này sẽ chết hết.
  • Lọc vi sinh – hệ thống lọc vi sinh tốt sẽ loại trừ gần như tuyệt đối loại tảo này
  • Dùng đèn UV diệt khuẩn – sử dụng đèn UV để giết loại rêu này và làm sạch nước.
  • Lọc bông – chỉ cần lọc có nhiều bông là xử lý được kha khá
  • Rận nước – Sử dụng rận nước, chúng sẽ ăn sạch loại tảo này
  • Thay nước – Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất, thay liên tục đến khi hết thì thôi.
Chú ý:
Tránh thay nước quá nhiều trong thời gian ngắn để tránh cây và cá, tép bị sốc nước
Để điều trị hiệu quả, nên tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh để có phương án hợp lý nhất.

Hair/Thread Algae – Rêu tóc
Rêu tóc bao gồm các sợi nhỏ màu xanh có thể đạt chiều dài 30cm. Chúng thường mọc xen lẫn vào các loại rêu và đôi khi chúng được trồng có chủ định để làm thức ăn cho một số loài cá, tép.

Nguyên nhân:
Dư thừa sắt trong hồ – hàm lượng >0.15 ppm, chủ yếu do không có nhiều cây lá đỏ hấp thụ sắt trong hồ

Cách chữa:
  • Xử lý bằng tay – Sử dụng bàn chải đánh răng, tay để diệt càng nhiều càng tốt
  • Thay nước đều đặn, 30% mỗi tuần, nếu bị nhiều thì tăng tần suất lên.
  • Cân bằng lại các chất dinh dưỡng trong hồ: N (10-20ppm), P (0.5-2ppm), K (10-20ppm), Ca (10-30ppm), Mg (2-5ppm), Fe (.1ppm).
Staghorn (Compsopogon sp.) – Rêu sừng hươu

Rêu sừng hươu được lấy tên vì các nhánh rêu rất giống sừng hươu. Chúng mọc nhìn rất cằn cỗi, tồi tàn và thường bám vào các lá cây và các thiết bị trong hồ. Rêu có thể có màu trắng, ghi hoặc xanh.

Nguyên nhân:
  • Mất cân bằng dinh dưỡng
  • Ít Co2
Cách chữa:
  • Xử lý bằng tay – Dùng bàn chải đánh răng hoặc tay để gỡ ra
  • Thay nước – Thay nước hàng tuần đều đặn
  • Tăng cường Co2
  • Dùng thuốc tẩy (không khuyến cáo)
Chú ý:
Hầu hết các loài cá, tép không ăn loại rêu sừng hươu này.

{ 1 nhận xét... read them below or add one }

  1. Cách này hay đó. Mình sẽ thử cho hồ thủy sinh nhà mình.

    Trả lờiXóa

Hồ cá Hải Dương

115 Bà Huyện Thanh Quan , Phường 9 , Quận 3 , TP.Hồ Chí Minh
SĐT: 0903.816.455 (anh Hải) – 0906.775.161 (chị Dương)

Gọi ngay để được tư vấn miễn phí!

Xem nhiều nhất

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Hồ thủy sinh TOP -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -